Color Palette Selector
đề nghị bổ sung các dự án cụm, tuyến dân cư phục vụ di dời, ổn định đời sống cho số hộ dân trong khu vực sạt lở trên địa bàn thành phố Cần Thơ, Đồng Tháp,vào giai đoạn 2 Chương trình xây dựng cụm,tuyến dân cư và nhà ở vùng ngập lũ đồng bằng sông Cửu Long    

BỘ XÂY DỰNG
 
Số: 71 /TTr-BXD
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
 
 
Hà Nội, ngày 11 tháng 8 năm 2009
TỜ TRÌNH THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Đề nghị phê duyệt bổ sung các dự án cụm, tuyến dân cư phục vụ di dời,  ổn định đời sống cho số hộ dân trong khu vực sạt lở trên địa bàn thành phố Cần Thơ và tỉnh Đồng Tháp vào giai đoạn 2 Chương trình xây dựng cụm, tuyến dân cư và nhà ở vùng ngập lũ đồng bằng sông Cửu Long
A. đề nghị bổ sung các dự án cụm, tuyến dân cư phục vụ di dời,  ổn định đời sống cho số hộ dân trong khu vực sạt lở trên địa bàn thành phố Cần Thơ
Kết luận Hội nghị tổng kết giai đoạn 1 và triển khai giai đoạn 2 Chương trình xây dựng cụm, tuyến dân cư và nhà ở vùng ngập lũ đồng bằng sông Cửu Long, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải giao Bộ Xây dựng báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc bổ sung các dự án cụm, tuyến dân cư vào giai đoạn 2 của Chương trình để đảm bảo chỗ ở an toàn, ổn định cho các hộ dân trong khu vực sạt lở trên địa bàn thành phố Cần Thơ theo đề nghị của UBND Thành phố (Thông báo số 283/TB-VPCP ngày 01/10/2008 của Văn phòng Chính phủ). Trên cơ sở báo cáo của UBND thành phố Cần Thơ về số lượng hộ dân cần di dời và kết quả khảo sát thực trạng sạt lở trên địa bàn Thành phố của các Bộ, ngành liên quan, Bộ Xây dựng đã có Tờ trình số 12/TTr-BXD ngày 04/02/2009 đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt bổ sung các dự án cụm, tuyến dân cư của thành phố Cần Thơ vào giai đoạn 2 của Chương trình xây dựng cụm, tuyến dân cư và nhà ở vùng ngập lũ đồng bằng sông Cửu Long để đảm bảo di dời cho 3.061 hộ dân ra khỏi khu vực sạt lở với tổng mức đầu tư là 180,60 tỷ đồng.
Ngày 13/3/2009 Thủ tướng Chính phủ có công văn số 397/TTg-KTN về việc bổ sung các dự án cụm, tuyến dân cư của thành phố Cần Thơ, theo đó Thủ tướng Chính phủ đồng ý bổ sung các dự án cụm, tuyến dân cư phục vụ di dời, ổn định đời sống của các hộ dân trong khu vực sạt lở trên địa bàn thành phố Cần Thơ vào giai đoạn 2 của Chương trình xây dựng cụm, tuyến dân cư và nhà ở vùng ngập lũ sông Cửu Long như đề nghị của Bộ Xây dựng. Tại văn bản trên, Thủ tướng Chính phủ giao UBND thành phố Cần Thơ chịu trách nhiệm rà soát, thống kê số hộ dân thuộc đối tượng phải di dời và chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện các dự án cụm, tuyến dân cư bổ sung theo đúng quy định, đồng thời giao Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan căn cứ cơ chế, chính sách tại Quyết định số 1151/QĐ-TTg ngày 26/8/2008 của Thủ tướng Chính phủ chuẩn xác lại tổng mức đầu tư các dự án trên, cơ cấu các nguồn vốn trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, thành phố Cần Thơ đã tổ chức rà soát, thống kê cụ thể số hộ của từng khu vực sạt lở phải di dời. Theo báo cáo của UBND Thành phố thì số hộ dân phải di dời sau khi đã rà soát lại là 2.503 hộ (giảm 558 hộ). Trên cơ sở số liệu báo cáo số hộ cụ thể cần di dời của UBND thành phố Cần Thơ và cơ chế, chính sách quy định tại Quyết định số 1151/QĐ-TTg ngày 26/8/2008 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng tính toán, xác định tổng mức đầu tư xây dựng các cụm, tuyến dân cư  bổ sung để phục vụ di dời số hộ dân nói trên là 147,677 tỷ đồng, trong đó:
- Vốn ngân sách trung ương cấp để đầu tư tôn nền phần diện tích xây dựng các công trình hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật và 50% vốn đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật thiết yếu trong cụm, tuyến dân cư là 55,066 tỷ đồng. Bao gồm:
+ Vốn đầu tư tôn nền phần diện tích xây dựng các công trình hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật là 40,048  tỷ đồng;
+ Vốn đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật thiết yếu trong cụm, tuyến dân cư là 15,018 tỷ đồng.
b) Vốn ngân sách địa phương và các nguồn vốn huy động khác để đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật thiết yếu trong cụm, tuyến dân cư là 15,018 tỷ đồng.
c) Vốn vay Ngân hàng Phát triển Việt Nam để đầu tư tôn nền phần diện tích xây dựng nhà ở là 40,048 tỷ đồng.
d) Vốn vay Ngân hàng Chính sách Xã hội để đầu tư xây dựng nhà ở cho các hộ dân vào ở trong các cụm dân cư là 37,545 tỷ đồng.
B/ đề nghị bổ sung các dự án cụm, tuyến dân cư phục vụ di dời,  ổn định đời sống cho số hộ dân trong khu vực sạt lở trên địa bàn huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp
Huyện Hồng Ngự mới thuộc tỉnh Đồng Tháp được thành lập vào cuối năm 2008 theo Nghị định số 08/NĐ-CP ngày 23/12/2008 của Chính phủ. Đây là huyện biên giới tiếp giáp với Cam Pu Chia. Nằm trong khu vực đầu nguồn sông Tiền, Hồng Ngự là huyện bị ngập sâu nhất của tỉnh Đồng Tháp nói riêng và vùng đồng bằng sông Cửu Long nói chung. Do địa hình thấp trũng, bị chia cắt bởi hệ thống sông và kênh rạch chằng chịt, đặc biệt sông Tiền chảy qua trung tâm Huyện đã hình thành nên hai khu vực: một số xã cù lao và một số xã đất liền. Mấy năm gần đây, do dòng chảy thay đổi nên tình trạng sạt lở thường xuyên xảy ra tại nhiều khu vực trong Huyện nhất là các xã cù lao và các xã đất liền ven sông Tiền thuộc vùng trũng của Huyện. Chiều sâu sạt lở tại các khu vực này từ 5-10 m/năm tính từ mép bờ sông. Tình trạng sạt lở đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống bình thường của hàng nghìn người dân trong khu vực.
Thực hiện Chương trình xây dựng cụm, tuyến dân cư và nhà ở vùng ngập lũ đồng bằng sông Cửu Long (giai đoạn 1), tỉnh Đồng Tháp đã đầu tư xây dựng 204 cụm, tuyến dân cư để bố trí chỗ ở cho gần 37.000 hộ dân trong khu vực ngập lũ vào ở, trong đó huyện Hồng Ngự đầu tư xây dựng 39 cụm, tuyến để bố trí trên 8.500 hộ dân vào ở. Mặc dù có khối lượng phải thực hiện rất lớn nhưng trong quá trình triển khai thực hiện, các cấp uỷ Đảng, chính quyền và nhân dân trong Huyện đã có nhiều nỗ lực, cố gắng vượt bậc nên đã sớm hoàn thành các mục tiêu của Chương trình. Nhân dân và cán bộ huyện Hồng Ngự đã được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen vì đã có nhiều thành tích trong thực hiện Chương trình.
Trong giai đoạn 2 của Chương trình, huyện Hồng Ngự cũ được đầu tư thêm 5 cụm, tuyến dân cư để bố trí cho 3.540 hộ thuộc khu vực sạt lở vào ở. Huyện Hồng Ngự mới được chia tách có 4 cụm, tuyến. Cả 4 cụm, tuyến này hoàn toàn nằm trên các xã cù lao và chỉ đáp ứng nhu cầu chỗ ở cho các hộ dân tại các khu vực sạt lở của các xã cù lao. Ngoài khu vực sạt lở tại các xã cù lao thì hiện nay trên địa bàn huyện Hồng Ngự vẫn còn nhiều khu vực đang bị sạt lở nguy hiểm, cụ thể là toàn bộ hành lang phía Tây và Nam tiếp giáp với sông Tiền thuộc các xã Thường Phước 2, Thường Thới Tiền và Thường Lạc với chiều dài khoảng 17 km đang bị sạt lở. Theo số liệu điều tra, khảo sát của địa phương thì có 1.556 hộ dân đang cư trú tại khu vực này cần phải di dời để đảm bảo an toàn.
Để đảm bảo chỗ ở an toàn, ổn định cho số hộ tại khu vực sạt lở nói trên, UBND tỉnh Đồng Tháp đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ bổ sung 3 cụm dân cư trên địa bàn huyện Hồng Ngự mới chia tách vào giai đoạn 2 của Chương trình và đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý (văn bản số 105/TB-VPCP ngày 27/3/2009 của Văn phòng Chính phủ Thông báo kết luận của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp). Tiếp theo, ngày 07/4/2009 UBND tỉnh Đồng Tháp có công văn số 170/UBND-XDCB gửi Bộ Xây dựng và các Bộ, ngành liên quan đề nghị xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ bổ sung 3 cụm tuyến dân cư để đảm bảo chỗ ở an toàn số hộ dân trong khu vực sạt lở tại huyện Hồng Ngự mới.
I. Một số nội dung chủ yếu tại công văn số 170/UBND-XDCB ngày 07/4/2009 của UBND tỉnh Đồng Tháp
Trong giai đoạn 2 của Chương trình, huyện Hồng Ngự được phê duyệt 4 cụm dân cư nhưng mới chỉ đáp ứng chỗ ở an toàn cho số hộ dân trong các khu vực sạt lở tại các xã cù lao. Hiện còn 1.556 hộ dân đang cư trú tại các khu vực nằm trong hành lang sạt lở phía Tây và phía Nam tiếp giáp với sông Tiền, vì vậy UBND tỉnh Đồng Tháp đề nghị bổ sung 3 cụm dân cư để đảm bảo chỗ ở an toàn cho số hộ dân tại khu vực sạt lở nói trên. Ba cụm dân cư đề nghị bổ sung gồm:
1. Cụm dân cư ấp 3, xã Thường Phước 2: bố trí 436 hộ dân vào ở, số vốn đầu tư 29,95 tỷ đồng;
2. Cụm dân cư ấp Thượng, xã Thường Thới Tiền: bố trí 536 hộ dân vào ở, số vốn đầu tư 73,70 tỷ đồng;
3. Cụm dân cư Thường Thới, xã Thường Thới Tiền: dự kiến bố trí 584 hộ dân vào ở, số vốn đầu tư 80,30 tỷ đồng.
Tổng số hộ dân: 1.556 hộ. Tổng vốn đầu tư đề nghị: 213,95 tỷ đồng.
Trong đó:
- Vốn ngân sách trung ương cấp: 93,305 tỷ đồng;
- Vốn ngân sách địa phương và huy động khác: 46,68 tỷ đồng;
- Vốn vay Ngân hàng Phát triển Việt Nam: 48,625 tỷ đồng;
- Vốn vay Ngân hàng Chính sách xã hội: 23,34 tỷ đồng.
II. Kết quả kiểm tra thực trạng sạt lở tại huyện Hồng Ngự – tỉnh Đồng Tháp của các Bộ, ngành liên quan
Để có cơ sở trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định, Bộ Xây dựng đã đề nghị địa phương tiến hành rà soát, lên danh sách cụ thể số hộ đang sinh sống tại khu vực sạt lở cần phải di dời; đồng thời Bộ đã thành lập đoàn công tác liên ngành có sự tham gia của đại diện các Bộ, ngành liên quan: Xây dựng, Tài chính, Ngân hàng Phát triển Việt Nam đi kiểm tra thực tế thực trạng sạt lở trên địa bàn. Kết quả kiểm tra cho thấy Hồng Ngự là huyện thuộc khu vực ngập sâu nhất của tỉnh Đồng Tháp nói riêng và của cả vùng đồng bằng sông Cửu Long nói chung (độ sâu ngập lũ từ trên 3 m trở lên). Hiện nay trên địa bàn huyện Hồng Ngự có rất nhiều khu vực bị sạt lở, đặc biệt tại các xã cù lao và dải hành lang khu vực phía Tây và Nam tiếp giáp với sông Tiền. Các hộ dân đang sinh sống tại các khu vực sạt lở cần sớm được di dời để đảm bảo an toàn. Trong giai đoạn 2 của Chương trình, huyện Hồng Ngự đựơc đầu tư xây dựng 4 cụm dân cư nhưng mới đủ diện tích để giải quyết chỗ ở cho số hộ dân trong khu vực sạt lở tại các xã cù lao. Qua điều tra, khảo sát thực tế, hiện còn 1.556 hộ dân đang sinh sống tại các khu vực sạt lở thuộc các xã vùng trũng như Thường Lạc, Thường Phước 2 và Thường Thới Tiền chưa có nơi để di dời. Trong những năm qua, do tốc độ sạt lở nhanh, rất nhiều hộ dân trong các khu vực sạt lở tại các xã này đã phải tự tháo dỡ nhà cửa để di dời ra khỏi khu vực nguy hiểm. Nhiều hộ dân chỉ có thể di dời trong khuôn viên đất của mình và đến nay đã không còn đất để di dời tiếp. Một số hộ dân lại không có đất để di dời trong khi tình trạng sạt lở vẫn tiếp tục diễn ra, nhất là vào mùa lũ. Nhiều nơi sạt lở đã đến sát chỗ ở của người dân. Nhà ở, tài sản của nhiều hộ dân có nguy cơ bị sụp đổ xuống sông bất cứ lúc nào. Cuộc sống của người dân trong các khu vực sạt lở không được ổn định. Người dân luôn trong trạng thái căng thẳng, lo lắng, không yên tâm lao động, sản xuất. Mặt khác, những hộ này đa số thuộc diện nghèo, vì vậy họ không có khả năng tự tạo được chỗ ở an toàn, tránh được tác động của sạt lở, lũ lụt. Hầu hết các hộ dân trong khu vực sạt lở có nguyện vọng được Nhà nước và chính quyền địa phương hỗ trợ, giúp đỡ có chỗ ở an toàn, ổn định, tạo điều kiện để họ yên tâm xây dựng cuộc sống.
Căn cứ số hộ dân cần di dời vào ở trong các cụm, tuyến dân cư; đồng thời căn cứ cơ chế, chính sách quy định tại Quyết định số 1151/QĐ-TTg ngày 26/8/2008 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng xác định tổng mức đầu tư theo từng nguồn vốn đối với 3 cụm dân cư đề nghị bổ sung của tỉnh Đồng Tháp như sau:
1. Số hộ dân bố trí vào ở trong 3 cụm dân cư đề nghị bổ sung là 1.556 hộ.
2. Tổng mức đầu tư: 98,028 tỷ đồng. Trong đó:
a) Vốn ngân sách trung ương cấp để đầu tư tôn nền phần diện tích xây dựng các công trình hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật và 50% vốn đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật thiết yếu trong cụm, tuyến dân cư là: 37,344 tỷ đồng. Bao gồm:
- Vốn đầu tư tôn nền phần diện tích xây dựng các công trình hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật là 28,008 tỷ đồng;
- Vốn đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật thiết yếu trong cụm, tuyến dân cư là: 9,336 tỷ đồng.
b) Vốn ngân sách địa phương và các nguồn vốn huy động khác để đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật thiết yếu trong cụm, tuyến dân cư là 9,336 tỷ đồng.
c) Vốn vay Ngân hàng Phát triển Việt Nam để đầu tư tôn nền phần diện tích xây dựng nhà ở là 28,008 tỷ đồng.
d) Vốn vay Ngân hàng Chính sách Xã hội để đầu tư xây dựng nhà ở cho các hộ dân vào ở trong các cụm dân cư là 23,34 tỷ đồng.
III. Giải trình tiếp thu ý kiến góp ý của các Bộ, ngành liên quan
Để hoàn chỉnh dự thảo Tờ trình và dự thảo văn bản của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt bổ sung 3 cụm dân cư phục vụ di dời, ổn định đời sống cho số hộ dân trong khu vực sạt lở nguy hiểm trên địa bàn huyện Hồng Ngự - tỉnh Đồng Tháp vào giai đoạn 2 Chương trình xây dựng cụm, tuyến dân cư và nhà ở vùng ngập lũ đồng bằng sông Cửu Long, Bộ Xây dựng đã có công văn gửi các Bộ, ngành liên quan: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ngân hàng Phát triển Việt Nam và Ngân hàng Chính sách Xã hội đề nghị có ý kiến góp ý hai dự thảo nói trên trước khi trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt. Tổng hợp nội dung các ý kiến góp ý của các Bộ, ngành như sau:
1. Các ý kiến góp ý của các Bộ, ngành liên quan đều thống nhất với Bộ Xây dựng đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt bổ sung các cụm dân cư phục vụ di dời, ổn định đời sống cho số hộ dân trong khu vực sạt lở nguy hiểm trên địa bàn huyện Hồng Ngự - tỉnh Đồng Tháp vào giai đoạn 2 Chương trình xây dựng cụm, tuyến dân cư và nhà ở vùng ngập lũ đồng bằng sông Cửu Long.
2. Một số ý kiến góp ý khác của các Bộ, ngành:
a) Về đề nghị xác định lại số hộ dân cần di dời để chuẩn xác lại tổng mức vốn đầu tư các dự án:
Bộ Tài chính đề nghị thống nhất lại với địa phương về số hộ dân phải di dời vào các dự án cụm dân cư bổ sung để chuẩn xác lại tổng mức vốn đầu tư các dự  án.
Về vấn đề này, Bộ Xây dựng đã thống nhất với địa phương, rà soát và thống kê cụ thể số hộ dân phải di dời vào các dự án cụm dân cư đề nghị bổ sung là 1.556 hộ. Trên cơ sở số hộ dân cần di dời nói trên và căn cứ cơ chế, chính sách quy định tại Quyết định số 1151/QĐ-TTg ngày 26/8/2008 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng đã xác định tổng vốn đầu tư và phân khai các nguồn vốn đầu tư xây dựng các cụm dân cư bổ sung theo quy định.
b) Về hình thức văn bản phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ:
Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đề nghị hình thức văn bản phê duyệt là Quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Bộ Xây dựng tiếp thu và dự thảo Quyết định phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ (có dự thảo kèm theo).
c) Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị phân tích tính ưu việt của phương án xây dựng cụm, tuyến dân cư và phương án kè bờ sông để ổn định dân cư tại chỗ về kinh tế – xã hội và môi trường.
Về vấn đề này Bộ Xây dựng có ý kiến như sau: Thực tế những năm qua cho thấy mô hình cụm, tuyến dân cư tại vùng ngập lũ đồng bằng sông Cửu Long để di dời các hộ dân trong khu vực ngập lũ và khu vực sạt lở vào ở có nhiều ưu điểm nổi trội. Các hộ dân di dời vào ở trong các cụm, tuyến dân cư có điều kiện sinh sống an toàn, ổn định và từng bước tiến tới phát triển bền vững. Người dân sống trong cụm, tuyến dân cư được đảm bảo điều kiện để chung sống với lũ; không những thiệt hại do lũ lụt gây ra được hạn chế tối đa, mà người dân vẫn có thể khai thác, tận dụng được nguồn lợi do lũ mang lại. Tại các cụm, tuyến dân cư Nhà nước và các địa phương mới có điều kiện thuận lợi trong việc đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật phục vụ đời sống của người dân. Ngoài ra các cụm, tuyến dân cư sẽ là những điểm dân cư nông thôn mới, phù hợp với chiến lược công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp và phát triển nông thôn của Đảng và Nhà nước. Một số cụm, tuyến dân cư phù hợp với quy hoạch sẽ trở thành các đô thị mới trong tương lai.
Hội nghị tổng kết giai đoạn 1 và triển khai giai đoạn 2 Chương trình xây dựng cụm, tuyến dân cư và nhà ở vùng ngập lũ đồng bằng sông Cửu Long đã đánh giá: Kết quả thực hiện giai đoạn 1 Chương trình xây dựng cụm, tuyến dân cư và nhà ở vùng ngập lũ đồng bằng sông Cửu Long đã mang lại hiệu quả rõ rệt, người dân trong cụm, tuyến đã được đảm bảo an toàn hơn, chất lượng cuộc sống tốt hơn so với thời gian còn sống trước đây. Mặc dù hàng năm lũ về khá lớn nhưng không xảy ra những thiệt hại về người và tài sản của nhân dân và nhà nước, các địa phương không còn tốn thời gian và kinh phí để thực hiện di dời và hỗ trợ cho người dân vùng lũ. Với sự đầu tư đồng bộ các công trình cơ sở hạ tầng trong các cụm, tuyến dân cư, Chương trình đã tạo cơ sở ban đầu để thực hiện quá trình đô thị hoá, hiện đại hoá nông thôn vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Còn đối với với việc xây kè bờ sông bảo vệ khu dân cư thì tuy không bị sạt lở, nhưng khi có lũ lớn thì chỗ ở của người dân vẫn bị ngập, thiệt hại về người và tài sản của người dân vẫn có thể xảy ra. Mặt khác, do đặc điểm đa số người dân nông thôn vùng đồng bằng sông Cửu Long thường sinh sống rải rác, mật độ dân cư thưa thớt nên việc đầu tư các công trình hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật phục vụ đời sống người dân rất khó thực hiện. Cũng do điều kiện dân cư sinh sống không tập trung nên việc xây kè chống sạt lở bảo vệ khu dân cư sẽ phải thực hiện tại nhiều khu vực rộng lớn, sẽ rất tốn kém về kinh phí cũng như về thời gian.
Vì vậy, đầu tư xây dựng cụm, tuyến dân cư để đảm bảo chỗ ở an toàn, ổn định cho người dân trong khu vực ngập lũ và sạt lở vùng đồng bằng sông Cửu Long, tạo điều kiện để người dân có điều kiện phát triển bền vững là phù hợp với thực tế.
c) Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị tham khảo chính sách quy định tại Quyết định số 78/2008/QĐ-TTg ngày 10/6/2008 của Thủ tướng Chính phủ về các mức hỗ trợ di dân để bổ sung phần tính toán kinh phí thực hiện. Bộ Xây dựng thấy rằng từ trước tới nay các hộ dân di dời vào ở trong các cụm, tuyến dân cư đều hưởng mức hỗ trợ như nhau theo quy định của chính sách. Vì vậy, để đảm bảo sự thống nhất của chính sách, đồng thời đảm bảo công bằng, tránh các thắc mắc, khiếu kiện không đáng có, đề nghị tiếp tục áp dụng cơ chế, chính sách quy định tại Quyết định số 1151/QĐ-TTg ngày 26/8/2008 đối với các dự án cụm, tuyến dân cư bổ sung như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
d) Một số nội dung góp ý khác, Bộ Xây dựng đã tiếp thu để hoàn chỉnh dự thảo.
C/ Kiến nghị
Thực hiện nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao tại công văn số 397/TTg-KTN ngày 13/3/2009 về việc bổ sung các dự án cụm, tuyến dân cư của thành phố Cần Thơ, UBND thành phố Cần Thơ đã chỉ đạo hoàn thành việc rà soát, thống kê lại số hộ dân trong khu vực sạt lở cần phải di dời. Căn cứ số hộ dân cần di dời và căn cứ  cơ chế, chính sách quy định tại Quyết định số 1151/QĐ-TTg ngày 26/8/2008 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng đã xác định lại tổng mức đầu tư xây dựng các cụm, tuyến dân cư đề nghị bổ sung xây dựng trên địa bàn thành phố Cần Thơ.
Đối với đề nghị bổ sung các cụm, tuyến dân cư phục vụ di dời số hộ dân trong khu vực sạt lở trên địa bàn huyện Hồng Ngự - tỉnh Đồng Tháp: qua kiểm tra, khảo sát thực trạng sạt lở tại địa phương, Bộ Xây dựng nhận thấy việc xây dựng bổ sung các dự án cụm, tuyến dân cư để phục vụ di dời, ổn định đời sống cho số hộ dân trong khu vực sạt lở nguy hiểm trên địa bàn huyện Hồng Ngự - tỉnh Đồng Tháp như đề nghị của UBND tỉnh Đồng Tháp là có cơ sở và là vấn đề cấp thiết. Các Bộ, ngành liên quan đều thống nhất với Bộ Xây dựng đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt bổ sung.
Đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt bổ sung các dự án cụm, tuyến dân cư phục vụ di dời,  ổn định đời sống cho số hộ dân trong khu vực sạt lở trên địa bàn thành phố Cần Thơ và tỉnh Đồng Tháp vào giai đoạn 2 Chương trình xây dựng cụm, tuyến dân cư và nhà ở vùng ngập lũ đồng bằng sông Cửu Long, với các nội dung chủ yếu sau:
  1. Số hộ dân cần di dời vào ở trong các cụm, tuyến dân cư bổ sung của thành phố Cần Thơ và tỉnh Đồng Tháp là 4.059 hộ (thành phố Cần Thơ: 2503 hộ, tỉnh Đồng Tháp 1.556 hộ).
2. Cơ chế, chính sách: Các dự án bổ sung được áp dụng cơ chế, chính sách quy định tại Quyết định số 1151/QĐ-TTg ngày 26/8/2008 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt bổ sung các Dự án đầu tư (giai đoạn 2) thuộc Chương trình xây dựng cụm, tuyến dân cư và nhà ở vùng ngập lũ đồng bằng sông Cửu Long.
3. Tổng mức đầu tư: 245,705 tỷ đồng. Trong đó:
a) Vốn ngân sách trung ương cấp là 92,41 tỷ đồng.
b) Vốn ngân sách địa phương và các nguồn vốn huy động khác là 24,354 tỷ đồng.
c) Vốn vay Ngân hàng Phát triển Việt Nam là 68,056 tỷ đồng.
d) Vốn vay Ngân hàng Chính sách Xã hội là 60,885 tỷ đồng.
(Nội dung cụ thể tại dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt bổ sung các dự án cụm, tuyến dân cư kèm theo).
Kính trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định./.
Xin gửi kèm the
- Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt bổ sung các dự án cụm, tuyến dân cư phục vụ di dời, ổn định đời sống cho số hộ dân trong khu vực sạt lở trên địa bàn thành phố Cần Thơ và tỉnh Đồng Tháp vào giai đoạn 2 Chương trình xây dựng cụm, tuyến dân cư và nhà ở vùng ngập lũ đồng bằng sông Cửu Long.
- Công văn số 3845/UBND-KT ngày 04/8/2009 của UBND thành phố Cần Thơ về việc rà soát, thống kê số hộ dân thuộc đối tượng phải di dời của các cụm, tuyến dân cư trên địa bàn thành phố Cần Thơ (giai đoạn II).
- Công văn số 170/UBND-XDCB ngày 07/4/2009 của UBND tỉnh Đồng Tháp về việc xin đầu tư xây dựng bổ sung 3 dự án cụm dân cư để đảm bảo chỗ ở an toàn cho số hộ dân trong khu vực sạt lở nguy hiểm tại huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp.   
- Văn bản góp ý của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ngân hàng Phát triển Việt Nam và Ngân hàng Chính sách Xã hội.
Nơi nhận:
- Thủ tướng Chính phủ;
- Phó TTg Hoàng Trung Hải (để b/c);
- BT Nguyễn Hồng Quân (để b/c);
- Văn phòng Chính phủ;
- Các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
- Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- Ngân hàng Chính sách Xã hội;
- UBND TP Cần Thơ;
- UBND tỉnh Đồng Tháp;
- Lưu: VP, QLN (3).
KT.BỘ TRƯỞNG
Thứ trưởng
 
 
 
đã ký
 
 
 
 
 
Nguyễn Trần Nam

(Bộ Xây dựng)
Quay lại
Số lượt đọc tin: 6
Ý kiến của bạn
Họ tên
Email
Tiêu đề
Nội dung
     
Các tin khác:
Tham gia ý kiến dự thảo Thông tư mới thay thế TT số 33/2007/TT-BTC và TT số 98/2007/TT-BTC của Bộ Tài chính (12/08/2009)
Góp ý kiến về khoanh vùng khu vực cấm và tạm thời cấm hoạt động khoáng sản tỉnh Đăk Nông (12/08/2009)
Công nhận Phòng thí nghiệm Địa kỹ thuật và vật liệu xây dựng thuộc Công ty cổ phần kỹ thuật Thăng Long (12/08/2009)
Công nhận Chi nhánh thí nghiệm và kiểm định công trình thuộc Tổng Công ty cổ phần đầu tư xây dựng Hoàng Long (12/08/2009)
Công nhận Phòng thí nghiệm kiểm định tổng hợp giao thông xây dựng thuộc Công ty cổ phần công trình và thương maị giao thông vận tải (12/08/2009)
Về việc đổi tên và bổ sung nhiệm vụ của Trung tâm Ứng dụng công nghệ và Xuất khẩu lao động thuộc Trường Cao đẳng xây dựng Công trình đô thị (12/08/2009)
Sáp nhập KCN Bắc Phú Cát vào Khu CNC Hoà Lạc (12/08/2009)
Báo cáo tình hình thực hiện công tác giám sát, đánh giá Dự án “Tăng cường năng lực dạy nghề” (12/08/2009)
Quyết định về việc xếp hạng Bệnh viện Xây dựng (10/08/2009)
Quyết định Về việc phê duyệt Nhiệm vụ quy hoạch xây dựng vùng Nam Nghệ An – Bắc Hà Tĩnh đến năm 2025 (10/08/2009)
Tiêu điểm
Video Clips
Thư viện ảnh
Quảng cáo
Tin tức nổi bật
Hiệp hội chuyên ngành XD
>> Xem chi tiết danh sách
Hội viên tập thể
>> Xem chi tiết danh sách
Tìm kiếm

Liên kết web
Quảng cáo