Công trình
Nhà cao tầng Hà Nội 27/03/2008

Thông lệ, gọi nhà thấp tầng là 3 tầng trở xuống 4-8, tầng là nhà nhiều tầng, 9 tầng trở lên tới 40 tầng là cao tầng, trên 40 tầng là chọc trời.
Nhà cao tầng, ước vọng chiếm lĩnh không gian, vươn lên bầu trời, thách thức với giông bão, là ước vọng chính đáng. Tháp chùa Dâu trên đất Phật Luy Lâu xưa từng là định hướng cho cả vùng Kinh Bắc. Cửu trùng đài của Vũ Như Tô thời Lê mạt từng là tiếp nối của bao thế hệ sau này.
Trước đây, quy hoạch xây dựng và cải tạo Hà Nội, 5 tầng là chủ đạo, cao tầng chỉ là điểm xuyết, chưa hình thành trên bản đồ quy hoạch. Năm 1983, như một thử sức của lực lượng xây dựng Hà Nội, ngôi nhà 11 tầng mọc lên bên hồ Giảng Võ, ỳ ạch nhiều năm mới xong, sửa đi sửa lại cả từ nhiệm vụ thiết kế.
Thời kỳ đổi mới, thủ đô rộng hơn, lớn hơn, đất đai ngày càng thành “tấc vàng”, trình độ kỹ thuật, khả năng thiết bị tăng tiến, ngôi nhà ở 9 tầng đầu tiên ở Linh Đàm, có thang máy hẳn hoi. Rồi hàng loạt văn phòng cao tầng từ nước ngoài đầu tư. Hà Nội chính thức bước vào thời kỳ xây dựng nhà cao tầng. Hàng loạt các khu nhà ở mới quen gọi khu đô thị mới, nhà ở cao tầng chiếm 60% đất xây dựng, thấp tầng chỉ 40%.
Kể từ những năm 90, hàng loạt nhà cao tầng từ trong lòng Hà Nội toả ra, tranh cãi rộ lên rồi tạm lắng. Không ít cảnh báo hồ Gươm trở thành giếng làng. Chủ tịch UBND thành phố hồi ấy là ông Lê ất Hợi tâm tình với các kiến trúc sư: “Nhà đầu tư nước ngoài cứ muốn văn phòng của họ bao quanh hồ Gươm, đẹp mà dễ bề giao dịch. Cho phép thì còn gì là lẵng hoa của Thành phố. Không đồng ý thì họ bỏ đi thế là mất nguồn vốn đầu tư.” Thủ đô mà để trượt nguồn vốn từ nước ngoài, tội nặng lắm!
Công trình thấp tầng ở những vị trí không mấy thuận lợi, dù có gây điều nọ tiếng kia, ảnh hưởng xấu đẹp cũng chỉ vừa vừa, nhưng nhô lên độ cao trong cả tổng thể vốn thấp nhỏ, êm ả, tự nhiên chúng thành điểm nhấn, thu hút tầm nhìn của hàng vạn con mắt. Đóng góp cho thẩm mỹ hay ngược lại phá vỡ cảnh quan, hậu quả đương nhiên.
Thử lấy vài thí dụ:
Cao tầng 46 Lý Thường Kiệt, vững chắc có phần hơi cục mịch. Tung Shing Square, nhô lên không đến nỗi lấn lướt, nhưng không tôn vinh chủ thể của không gian là nhà của UBND thành phố. Tương tự, cái anh nhà băng phố Tôn Đản như muốn làm mờ nhạt hình ảnh quen thuộc ngân hàng quốc gia khi khách từ đường Lê Thái Tổ đến. Nhà cao tầng 53 Quang Trung nổi bật tầm nhìn dọc đường Quang Trung, Khâm Thiên, như một điểm nhấn hồ Thuyền Quang. Chả mấy thiện cảm với cái khách sạn Melia, một khối xanh lè như muốn đổ ập xuống các thấp tầng dưới chân. Khách sạn Nikko trên bến xe Kim Liên cũ, do có khoảng trống bao quanh, do khối hình, mầu sắc trang nhã góp phần gây ấn tượng tốt. Quảng trường nhà hát thành phố qua thời gian, chẳng thấy thú vị cái khách sạn Opera, mặc dù đường cong uốn lượn khối hình cố ép mình hoà nhập với chủ thể.
Cao tầng từ xa lạ thành tự hào, nay đang giơ nanh khoe vuốt. Cái giải đất trên đường Đào Duy Anh, Cửa ngõ vào khu Kim Liên, nối từ đường Đại Cồ Việt ven công viên Thống Nhất, vốn xưa nay là đoạn đê bao nội thành nay xây dựng quá nhiều. Tiếc thật nếu là dải cây xanh… Xưa có câu “Ra ngõ gặp anh hùng” chiến tranh lùi xa đã hơn 30 năm, nay có câu: “Ra ngõ gặp cao tầng”. Thật khủng khiếp. Quy phạm xây dựng trong nội thành, không bắt buộc tuân thủ mật độ xây dựng, khoảng cách, khoảng lùi, các nhà cấp phép tuỳ nghi vận dụng sao cho có lợi cho quốc kế dân sinh. Đường Nguyễn Chí Thanh, các nhà E3, E4, 21 tầng đang lên, M5: 35 tầng làm các nhà vài ba tầng vốn có từ xưa, chìm trong bóng tối. Đường Trần Quốc Toản, kể cả hai bên hè cũng chỉ 10 mét vậy mà cũng cao tầng. Chẳng kể gì quy phạm chiều cao nhà tỷ lệ thuận với chiều rộng mặt đường. Góc Đội Cấn, Đốc Ngữ, cái ngã 3 chật chội lộn xộn như một cái chợ cũng nhô lên vài ba chục tầng. Cả bên hồ Trúc Bạch, cả trong khu nhà ở thấp tầng Ngọc Khánh, Thành Công vốn kết cấu gạch đơn giản, nay cũng đang mọc lên cả chục tầng. Phố Lò Đúc, Đặng Dung, Thụy Khuê, Hoàng Hoa Thám chật hẹp là vậy mà cũng lúc nhúc nhà cao tầng. Xây chen như thế sẽ cản trở sau này khi xây dựng lại cả khu nhà ở. Đường Cát Linh có khách sạn Horison với cái ống khói nhà máy gạch Đại La xưa như vệt tô điểm, đường Kim Mã với tổ hợp Daewoo đẹp kiểu dáng, đẹp cảnh quan, trở thành tên gọi cho cả khu phố. Điểm nhấn thú vị. Thế nhưng cái 65 tầng (chọc trời rồi đây) đang khởi công xây dựng trên đường Đào Tấn, láng giềng với Daewoo thì đang là mối đe doạ cho cả quần thể. Hồ Ngọc Khánh có một số cao tầng có khoảng cách, nếu thêm có nguy cơ thành giếng làng. Chẳng mấy ai để ý đến một yêu cầu thẩm mỹ không gian đô thị ấy là cái hình bóng thấp thoáng, Siluét, in hình trên đường viền chân trời. Không phải chỗ nào cũng yêu cầu Siluét, nhưng hãy thử đứng từ phía tây hồ Gươm nhìn sang bên kia hồ. UBND thành phố, mấy anh kho bạc đường Trần Quang Khải. Cái nền, cái phông của tháp Rùa đấy, vậy mà có lúc như muốn đổ ập xuống.
Trong tập sách Thành phố và Ngôi nhà, Hoàng Đạo Cung viết: “Đứng ở trên tầng 20 nhìn xuống, thấy các phố cổ, mái ngói lô xô vốn được coi là đẹp, kể cả các phố cũ, nhà căn phố, với các phố biệt thự, tất cả hoá thành nhỏ bé lúp xúp như chuồng gà, lều vịt. Đứng ở dưới nhìn lên, trong phạm vi 500m quanh cái nhà cao đó cũng có cảm giác như vậy. Cái mới phủ nhận cái cũ một cách ngạo mạn và lỗ mãng, như chàng thanh niên cao lớn hai tay chống nạnh, nhảy lambada giữa bày nhi đồng đang múa “ra vườn hoa em chơi”. Toà tháp cao lừng lững và cô đơn, không có hô ứng. Nó được nhìn thấy từ khá xa làm cho các khoảng cách gần lại và không gian thành phố nhỏ đi một cách bất ngờ. Cao tầng đặt đúng chỗ là đồ trang sức ở điểm nhấn, làm đẹp thành phố, nhưng tuỳ thuộc ngẫu hứng buồn, vui của nhà cầm quyền như hiện nay, thì như mũi dao đâm vào người kể cả chỗ hiểm. Còn có thể kể ra hàng loạt kêu cứu khác. Hình như không có khác nhau “Nhấn” và “Dúi”. ở tất cả chỗ nào có thể được “Dúi”, rồi khoác cho mỹ tự “Nhấn”. Nhưng đô thị còn phần kỹ thuật hạ tầng: Giao thông, hè, đường, cấp nước, cấp khí đốt, thoát nước… hiểm nguy nhất là giao thông đô thị. Chúng ta đang ở đỉnh cao của nạn ùn tắc giao thông, của tai nạn giao thông. Nhà cao tầng làm tăng mật độ xây dựng, vốn đã đất chật, người đông, nay lại tăng người tăng xe, đè nặng thêm cho giao thông, cho kỹ thuật hạ tầng. Mặc dù “Dúi” nhiều cao tầng thế sẽ làm dầy thêm kho bạc thành phố, đầy lên két sắt nhiều nhà đầu tư.
Cái lằng nhằng dây cáp điện trên trời ấy từng nhiều lần gây tử vong khách qua đường, có lẽ thế giới chỉ có Hà Nội là có chuyện này. Đâu phải chỉ lỗi tại EVN? Có thể nào bắt dân đô thị chịu đủ thứ “thành quả ấy”. Đó là chưa kể trái đất đang nóng lên. Nhà cao tầng góp phần cho đô thị nóng lên từng ngày. Vẫn biết cao tầng đô thị hợp thời đại khoa học kỹ thuật tiết kiệm đất xây dựng, thuận lợi cho sản xuất, giao dịch, sử dụng, tăng diện mạo đô thị. Tuy nhiên cần nhớ một điều then chốt, cải tạo đô thị cũ khác với đô thị mới. Hà Nội với cơ sở vật chất, kỹ thuật trải qua trăm năm chiến tranh tàn phá, vốn xộc xệch, ọp ẹp, nước mặt chung một hệ thống, cả trăm điểm úng ngập mỗi trận mưa lớn, khói bụi, chất thải đang làm ô nhiễm. Đừng làm tăng thêm căn bệnh đầu to. Cứ nói bền vững, sinh thái, mà thực ra đang tàn phá từng ngày.
Nhiều đô thị gia, nhiều kiến trúc sư cho rằng thành phố cần nhanh chóng có phương án quy hoạch không gian, quy hoạch tầng cao. Công khai và minh bạch để Mặt trận Tổ quốc, để cư dân có thể kiểm soát được, để ngăn ngừa kẻ làm bậy, kể cả chủ đầu tư và nhà quản lý. Cần hạn chế nhà cao tầng trong nội thành, cần giới hạn số tầng cao nhất. Và luôn gắn bó với giải pháp giao thông đô thị, tránh các điểm giao tắc. Đâu phải ta thiếu đất, hàng trăm dự án các trung tâm mới, các khu đô thị mới. Tha hồ cho văn phòng, khách sạn, căn hộ cao cấp … Không gian ấy được thiết kế hoàn chỉnh, đủ năng lực kỹ thuật hạ tầng, có đường phố, có quảng trường, có vườn cây, có sân thể thao. 5, 7 Km, đường tốt phẳng lỳ, xe buýt, xe con nào có xa gì. Tự nó sẽ hình thành các trung tâm mới. Khu thể thao Mỹ Đình, Trung tâm Hội nghị Quốc Gia, các siêu thị METRRO, BIG - C … đang chả nhiều sức hút đấy thôi.
Các nhà cầm quyền cần phân biệt cải tạo, xây dựng mới. Hà Nội có đô thị cũ và đô thị mới .Hàng loạt nhà cao tầng không có phép, sai giấy phép xây dựng, sai với thiết kế ban đầu, đang rung chuyển hệ thống quản lý đô thị, đang là ngạc nhiên cho bạn bè. Hà Nội, Việt Nam được xếp hạng là an ninh chính trị tốt nhưng về mặt an ninh đô thị, trật tự xây dựng, chẳng ai thống kê nhưng chắc ta cũng ở thứ bậc cuối cùng. Lỗi ấy ở người dân, ở các nhà cầm quyền, ở quản lý đô thị. Nhưng không thể không có phần ở các nhà thiết kế đô thị, ở các nhà kiến trúc. Xin cứ thử nghiêm khắc bằng lương tâm nghề nghiệp.
Có điều thú vị là UBND thành phố đã nghiệm thu đề tài nghiên cứu khoa học: Định hướng kiến trúc Hà Nội 2020, và Trường Đại học Xây dựng Hà Nội đã hoàn thành đề tài nghiên cứu khoa học: Nhà cao tầng Hà Nội do Hội Kiến trúc sư Việt Nam chủ trì. Những đề tài này bao giờ được đi vào đời sống.
Cuối cùng xin đề nghị :
1. Đưa tất cả cao tầng ra đô thị mới.
2. Chấm dứt “dúi” nhà cao tầng trong đô thị cũ . (Nguyên Thủ Tướng Võ Văn Kiệt đã từng có chỉ thị về việc này ).

Ngô Huy Giao


Các tin khác
Các yếu tố ảnh hưởng đến sự ổn định của hệ thống đê biển Đồng bằng Bắc Bộ ( 27/03/2008 )
Thiết kế và xây dựng công trình có hiệu quả năng lượng ( 27/03/2008 )
Những nhà máy điện tua bin khí hỗn hợp hiệu suất cao và an toàn sinh thái ( 27/03/2008 )
Khu nghỉ dưỡng suối nước nóng Hội Vân - Bình Định - Nơi đầu tư du lịch lý tưởng ( 27/03/2008 )
Làm gì cho chung cư cũ ở Hà Nội ( 27/03/2008 )
Nhà ở cho người cao tuổi ( 27/03/2008 )
 Tin mới nhất

Lộ trình đổi mới R&D Xây dựng và giao thông Hàn Quốc

Những năm qua, Hàn Quốc đã mở rộng rất nhiều đầu tư trong nghiên cứu và phát triển (R&D) khoa học và công nghệ và đã đạt được thành tựu có ý nghĩa. Bắt đầu như là một dự án hợp tác R&D công nghiệp – hàn lâm tháng 12/1994, dự án R&D công nghệ xây dựng và giao thông đã dần dần phát triển ra tổng số 16 dự án bao gồm “Dự án Nghiên cứu và Phát triển công nghệ xây dựng trọng điểm” năm 2006 với vốn Nhà nước được chi cho các dự án từ 1,2 tỷ won lên 262 tỷ won.


Thông báo về việc triệu tập đại hội lần thứ VI của Tổng Hội XDVN

Căn cứ vào Nghị quyết hội nghị BCH TW Tổng Hội XDVN lần thứ V khoá V ngày 6/12/2007, Đoàn Chủ tịch Tổng Hội XDVN đã có quyết định và thông báo về việc tổ chức đại hội khoá VI của Tổng Hội vào ngày 21/8/2008. Đoàn Chủ tịch Tổng Hội đã lập đề cương tổ chức đại hội và ra quyết định thành lập Ban Tổ chức để chuẩn bị đại hội.


Các đề tài NCKH của Tổng Hội được duyệt trong năm 2008

Theo công văn số 02/BXD-KHCN ngày 7/1/2008 của Bộ Xây dựng, về kế hoạch khoa học công nghệ và môi trường ngành xây dựng năm 2008, ban hành theo quyết định số 1535/QĐ-BXD ngày 28/12/2007 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng, Bộ Xây dựng thông báo chính thức các đề tài mà cơ quan thực hiện là Tổng Hội XDVN trong năm 2008 gồm 2 đề tài, đó là:


10 sự kiện quan trọng của Hội Môi trường đô thị Việt Nam năm 2007

1. Trong thời gian từ 28/2~13/3/2007, Hội đã cử 30 thành viên tham quan, học tập và trao đổi kinh nghiệm về xử lý chất thải công nghiệp và bảo vệ môi trường  ở Nhật Bản.
2. Đã tổ chức hội nghị BCH lần thứ 7 khoá II tại TP Hồ Chí Minh vào ngày 15/6/2007


Hoạt động của Hội Kết cấu và Công nghệ xây dựng Việt Nam

Họp Thường trực BCH
Ngày 19/1/2008, Hội đã họp hội nghị Thường trực BCH do Chủ tịch Hội, GS. TSKH. Nguyễn Văn Liên chủ trì. Hội nghị đã quyết định một số công tác quan trọng trong năm 2008.


Hội Xây dựng Hà Nội họp tổng kết công tác năm 2007

Sáng ngày 26/1/2008 tại Hội trường Công viên Bách Thảo, Hội Xây dựng Hà Nội đã họp hội nghị Tổng kết hoạt động năm 2007 với sự tham dự của các uỷ viên BCH Hội, lãnh đạo các chi hội cùng đại diện các Hội bạn. GS.TS. Nguyễn Mạnh Kiểm Chủ tịch Tổng hội XDVN và Phó Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Văn Khôi đã đến dự Hội nghị.