1. Nguyên tắc chung
Những thủ pháp tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan trục đường là một trong những nội dung trọng tâm của công tác quy hoạch đô thị. Các không gian trên trục đường được tổ chức khéo léo không những mang lại hiệu quả thẩm mỹ cho đô thị mà còn giúp con người hình dung và định hướng tốt trong không gian.
Thiết kế kỹ thuật cho một tuyến đường mẫu bao gồm các khu cây xanh công viên quảng trường các không gian công cộng, các giao diện giữa các khu vực, giữa các công trình kiến trúc.
- Đề xuất những yêu cầu khống chế đối với thiết kế công trình: khối tích - kích thước kiểu dáng và màu sắc tạo cảm giác an ninh - an toàn. Đảm bảo khai thác các nguồn năng lượng từ không khí, gió, ánh sáng và tài nguyên đất đai, thiên nhiên có hiệu quả, hạn chế chất thải và khuyến khích tái sử dụng chất thải.
- Đưa ra vị trí, quy mô các vùng, khu vực, các điểm, tuyến, diện, cao thấp, các kết nối đặc trưng cần có hướng dẫn thiết kế đô thị để kiểm soát phát triển.
2. Những nội dung thiết kế
2.1. Vị trí địa lý
- Cần xác định vị trí khu vực nghiên cứu trong vị trí tổng thể của toàn khu. Xác định lịch sử hình thành và phát triển cũng như vài nét về lịch sử khu phố. Các giá trị cần được bảo tồn trong khu phố cũ. Các giai đoạn hình thành và phát triển của phố

2.2. Đánh giá hiện trạng khu vực nghiên cứu
Trong phần này, đi vào nghiên cứu vị trí cụ thể khu vực nghiên cứu, xác định:
- Đặc điểm cảnh quan khu vực.
- Mối liên hệ với các khu vực lân cận.
- Mật độ xây dựng khu vực.
- Đánh giá hiện trạng kiến trúc cảnh quan tuyến đường, bao gồm những vấn đề chính:
+ Hiện trạng công trình kiến trúc các khu vực chức năng,
+ Đánh giá về tiện ích đô thị,
+ Đánh giá hiện trạng di sản kiến trúc: Đánh giá các công trình di sản cần bảo tồn nếu có.
- Đánh giá hiện trạng hạ tầng kỹ thuật tuyến đường, trong đó có đánh giá chung về:
+ Giao thông; Hiện trạng chiếu sáng; Hiện trạng cấp nước; Hiện trạng thoát nước vệ sinh môi trường; Hiện trạng san nền.
Từ đó có những nhận xét chung về khu vực. Đánh giá ưu thế của khu vực cũng như những mặt hạn chế của khu vực. Trong nhận xét đánh giá này có thể đánh giá về những vấn đề về đô thị - Sự chuyển biến của cấu trúc ô phố; Mâu thuẫn giữa phát triển kinh tế và cảnh quan; Những vấn đề xã hội; Về Kiến trúc.
2.3. Viễn cảnh cho khu vực nghiên cứu:
Trong mục này cần xác định hình ảnh tuyến phố trong tương lai: phố thương mại dịch vụ, hay phố đi bộ, hay phố ở...
2.4. Mục tiêu:
Xác định mục tiêu về sử dụng đất và phạm vi hoạt động; Hình thái kiến trúc và cảnh quan chính trên tuyến phố, từ đó có những thiết kế cụ thể, mỗi tuyến phố có tính chất mục tiêu khác nhau sẽ được thiết kế khác nhau: phố thương mại- sôi động, hoành tráng, phố đi bộ - kết hợp nhiều chức năng, phố trong khu ở- hài hòa yên tĩnh...
2.5. Những đề xuất cải tạo chỉnh trang hai bên tuyến phố
2.5.1.Quy hoạch sử dụng đất
Những vấn đề đề xuất về quy hoạch sử dụng đất: Các phân khu có thể phát triển căn cứ theo hình thái hoạt động của công trình


2.5.2.Đề xuất cải tạo
a- Các công trình điểm nhấn trên tuyến
Trên toàn tuyến cần xác định các công trình điểm nhấn, có thiết kế tiêu biểu, có tầm nhìn đón hướng tuyến.
- Xác định các góc ngã tư, ngã ba trên tuyến đặt các công trình điểm nhấn, cũng như các hình thức tổ chức ghép khối
b- Đề xuất mật độ xây dựng, tầng cao trung bình, khối tích công trình:
- Tuyến đường xây dựng với mật độ quá cao hoặc quá thưa thớt đều không mang lại hiệu quả và chất lượng cho cảnh quan khu vực. Với mật độ hợp lý, chúng ta đạt được rất nhiều ý nghĩa.
- Ngoài ra còn có những quy định về chỉ giới đường đỏ, chỉ giới xây dựng; phân loại các khoảng lùi:
+ Xây dựng các công trình tuân theo một chỉ giới thống nhất, thẳng hàng nhằm “định hình” không gian.
+ Phải chú ý đến thiết kế không gian khoảng xây lùi nếu có (giữa chỉ giới xây dựng và chỉ giới đường đỏ).
+ Tạo các không gian “đóng” bằng cách cân nhắc tỉ lệ bề rộng đường và chiều cao công trình theo hướng dẫn ở bảng dưới đây

+ “Thổi sức sống” vào các không gian đó bằng cách trồng cây và hoa, bố trí các thiết bị và tiện ích đường phố, các công trình điêu khắc-nghệ thuật, và nhiều “gia vị” khác để không gian đó trở nên sống động, ấm áp.
c. Đề xuất về công trình:
- Chiều cao công trinh: cần có thiết kế chiều cao công trình có đường chân trời phù hợp với các điểm nhấn trong đô thị.

- Tỷ lệ và chi tiết mặt đứng: Mặt đứng của ngôi nhà là một yếu tố quan trọng hình thành nên đặc trưng đô thị và hình thức riêng của tuyến phố. Một ngôi nhà có tỷ lệ mặt đứng đẹp là ngôi nhà có tỷ lệ chiều dọc và chiều ngang về chi tiết cũng như tổng thể hài hòa. Những ngôi nhà có thiết kế mặt đứng theo phong cách mới nhưng tôn trọng quy mô, hình thức và đặc trưng của những công trình lân cận góp phần tích cực giúp cho kiến trúc khu phố trở nên đa dạng và phong phú hơn.

- Tỷ lệ và vị trí cửa sổ: Các cửa đi và cửa sổ thường là những yếu tố đặc thù và nổi bật của các ngôi nhà, đặc biệt là ở mặt đứng. Các cửa đi và cửa sổ nên có cùng tỷ lệ với nhau, sử dụng các chi tiết và chất liệu phủ giống nhau.
- Cửa ra vào; Mái; Mầu sắc công trình
Màu sắc và chất liệu công trình là yếu tố rất quan trọng trong việc tạo nên hình ảnh về một đô thị tuyến phố. Những màu sắc trầm ấm, chất liệu mang tính truyền thống sẽ tạo thân thuộc, gần gũi còn những gam màu mạnh, rực rỡ hoặc sử dụng đá ốp tường, nhôm, kính phản quang… sẽ tạo một cảm giác mới mẻ, xa lạ tùy từng tuyến phố mà lựa chọn mầu sắc, vật liệu phù hợp với sắc thái toàn tuyến phố.

d. Cây xanh
Cây xanh trồng trên trục đường có thể sử dụng nhiều các loại cây có tầng cao khác nhau: Cây to, cây bụi, hoa theo mùa, thảm cỏ - tất cả đều có thể khai thác để nhấn mạnh đặc trưng của từng địa điểm. Trong đó bao gồm:
-Đề xuất cây trục đường
- Duy trì cây có kích thước và giá trị quan trọng hiện có, có thể bổ sung các loại cây trồng bổ sung phù hợp để tạo cảnh quan đẹp, chiều cao cây không che lấp tầm nhìn, như cây hoàng lan, cây phượng, móng bò, với khoảng cách từ 5-7m giữa các cây…
-Trồng cây xanh theo dạng tuyến, khuyến khích trồng thêm cây cắt xén đan xen với các cây bóng mát
-Có thể kết hợp tổ chức bồn hoa trên vỉa hè.
Trồng các cây bụi nhỏ có lá mầu trang trí dưới gốc cây, tạo cảnh quan đường phố, không lấn chiếm không gian vỉa hè, hạn chế việc người dân tận dụng không gian xung quanh gốc cây để kinh doanh.
-Cây xanh trang trí
- Khuyến khích trồng cây trên các ban công, cây leo trên mặt đứng công trình
- Khuyến khích trồng các cây treo trên các cột đèn, hàng rào, đặc biệt tại các không gian quan trọng sử dụng những thảm cây theo chiều đứng để trang trí
- Cây xanh thảm: Đối với những không gian vườn, hố trồng cây, sử dụng thảm cỏ có sức sống khỏe, ít phải chăm sóc như: cỏ lá tre, cỏ gà. Có thể sử dụng những thảm hoa mầu vàng, xanh, nâu trồng kết hợp, như: cây thanh táo, dệu cảnh, cúc mốc, hoa Mười giờ...
- Cây điểm xuyết:
+ Sử dụng những cây Đỗ quyên, hoa Giấy, Tường vi, Tràm bông đỏ tạo cảnh cho không gian.
- Cây xanh bố cục: Sử dụng cụm cây trang trí bố trí dọc tuyến, đặt tại những vị trí công cộng như: phía trước Cung hữu nghị Việt Xô, Bệnh viện 108, cạnh bên của các nhà đại sứ quán, những biệt thự đẹp, nhà hàng, văn phòng,… Cụm hoa trang trí có thể sử dụng vật trang trí như tượng, đá, chum vại... kết hợp với những loại cây có tính nhiệt đới cao như: Mẫu đơn, rong giềng, chuối cảnh, trúc Nhật, Thiên điểu, Trạng nguyên tạo cảnh quan...

Bên cạnh đó có thể bố trí những khung sắt trồng cây theo chiều thẳng đứng bố trí trên vỉa hè.
- Cây leo: Bên cạnh những loại cây trồng trên, bổ sung thêm những giàn cây leo khác nhau cho mầu sắc khác nhau tại những điểm cần nhấn như: cây Bông xanh, hoa Giấy các màu, Huỳnh anh, Móng rồng, trồng trên các ban công, cạnh bên của nhà...
- Cây cắt xén:
Để ngăn cách không gian giữa các khu nhà, các công trình có thể dựng hàng rào cây xanh cắt xén: cây ô zô, cây chè Tầu, Thanh táo, Dệu, Bỏng nổ...
-Tổ chức cây xanh trồng mới

e. Tiện ích đô thị
- Đề xuất biển quảng cáo: có quy định về mầu sắc, chiều cao, tỷ lệ của chữ trong các biển quảng cáo.
- Tường rào, cổng ra vào: Quy định về vật liệu, chiều cao, hình thức trên toàn tuyến.
- Gạch lát vỉa hè: Mặt nền tuyến hè đường phải được xử lý một cách đồng nhất và có chất lượng, tạo thuận lợi cho người đi bộ.
- Chất liệu gạch: gạch lát hoa văn, gạch hoa bông
- Chất liệu đá tự nhiên: đá hộc, đá vụn
- Chất liệu đá nhân tạo
- Chất liệu miếng bê tông ghép
- Chất liệu sành, sứ
- Chất liệu khác: thủy tinh, sắt...
- Chất liệu hỗn hợp
-Biển số nhà
Biển số nhà có màu dễ nhận diện, chữ và số màu sáng, khuyến khích sử dụng các vật liệu dễ làm có thể bằng sắt, mi ca.
- Ghế ngồi: Trên tuyến đường cần bố trí ghế ngồi tạo điệu kiện cho người dân có cơ hội dừng chân nghỉ ngơi, ngắm cảnh, đảm bảo:
+ Khoảng cách tối đa 100m đặt một cụm ghế ngồi.
+ Ghế ngồi được bắt vít thẳng xuống hè đường, thiết kế đẹp hiện đại.


-Bốt điện thoại:
Trên tuyến cần tìm vị trí đặt bốt điện thoại công cộng, thường được bố trí ở các góc đường..., khoảng cách giữa các bốt điện thoại khoảng từ 1km – 2km.
2.5.3. Những đề xuất về bảo tồn
a.Đối tượng bảo tồn:
Xác định những đối tượng cần bảo tồn: công trình, cây xanh, chi tiết kiến trúc…
b.Nguyên tắc bảo tồn:
Xác định nguyên tắc chính bảo tồn cân bằng giữa phát triển và bảo tồn
d.Quy định về bảo tồn
Trên tuyến phố có những công trình cần bảo tồn cần tuân thủ theo những quy định của Luật Di sản.
2.5.4. Những đề xuất về hạ tầng kỹ thuật
a. Giao thông:
Trong đó đề cập tới các vấn đề về mặt cắt ngang trên tuyến; Các công trình phục vụ giao thông trên tuyến; gợi ý về bến xe bus
- Nhà đợi xe buýt:
Hình thức kiến trúc phù hợp với cảnh quan xung quanh, an toàn, đảm bảo về yêu cầu che mưa, che nắng cho người sử dụng. Vật liệu sử dụng phong phú, tạo nên sự phong phú về cảnh quan. Đặt ở nơi tiện lợi và dễ sử dụng.

- Không gian công cộng.
Những không gian công cộng tại các nút giao thông, thiết kế phải quan tâm đến các vấn đề sau:
- Sự rõ ràng của không gian: cho phép người sử dụng có thể quan sát toàn bộ không gian, đồng thời cho phép họ có thể tùy thích: ngồi chơi hay nán lại những nơi có các hoạt động hấp dẫn.
- Điểm nghỉ chân: tạo những điểm nghỉ có mái che, ghế ngồi, vòi nước uống, nước rửa tay… trong các quảng trường và công viên, đặc biệt nên để gần các nút hoạt động và các nút giao thông.
- Những không gian vui chơi cho trẻ em nên được bố trí gần với nhà ở để cha mẹ có thể trông nom chúng dễ dàng, đồng thời có thể gặp gỡ chuyện trò với nhau, làm tăng tình cảm xóm giềng.
b.Chiếu sáng:
Giải pháp chung toàn tuyến; Chiếu sáng công trình; Chiếu sáng quảng trường; Chiếu sáng đường phố.
Thông thường, các hệ thống chiếu sáng được bố trí để phục vụ đường giao thông cơ giới. Trong tuyến phố chiếu sáng cần nâng lên thành một “nghệ thuật” vừa trang hoàng cho công trình, cho không gian, vừa chiếu sáng cho cả người đi bộ và các phương tiện cơ giới.
Ánh sáng có thể được tạo ra từ các cột đèn đường, từ các đèn lắp trên các tòa nhà, hay trên các cột đèn thấp, các đèn từ dưới hất lên, các đèn đặc biệt, các ánh sáng chiếu vào mặt đứng các công trình hay chính ánh sáng hắt ra từ cửa sổ các tòa nhà. Bằng sự kết hợp tất cả các nguồn sáng trên, chúng ta sẽ đạt được một mức chiếu sáng mong muốn và qua đó thu hút sự chú ý đến những phần nhất định của không gian và che dấu đi những phần khác.
Hình dạng và màu sắc của ánh sáng cũng tạo ra hiệu quả ba chiều, biến đổi cảm nhận của chúng ta đối với không gian và trang hoàng cho cảnh quan đêm của khu vực. Càng sáng, càng thu hút được các hoạt động của con người trong đêm.

Chiếu sáng cây xanh, vườn hoa: dùng những loại đèn rọi, đèn chiếu, đèn hắt để tạo hiệu quả chiếu sáng cho cây xanh vườn hoa vào ban đêm.

c. Cấp nước:
Các công trình trên mạng; Hố van cấp nước; Xây dựng mới hệ thống các trụ cứu hỏa trên trục đường

Xây dựng mới hệ thống cung cấp nước uống trực tiếp dọc trên trục đường, tại các điểm công cộng, các công trình công cộng.
d .Thoát nước thải vệ sinh môi trường
Trên toàn tuyến phố cần có sự thiết kế đấu nối với các các công trình trên mạng lưới. Xác định vị trí đặt các thùng đựng rác, nhà vệ sinh công cộng (nếu có) thích hợp không ảnh hưởng tới thẩm mỹ cũng như môi trường cảnh quan đô thị.

ThS. KTS. Nguyễn Hồng Diệp, ThS. KTS. Nguyễn Văn Giới