Ngày 25/3, tại Hà Nội, Tập đoàn Công nghiệp Xây dựng Việt Nam đã long trọng tổ chức lễ ra mắt và chính thức đi vào hoạt động. Tập đoàn được thành lập theo quyết định 52/QĐ-TTg ngày 12/01/2010 của Thủ tướng Chính phủ do Tổng công ty Sông Đà làm nòng cốt với sự tham gia của các Tổng công ty: Sông Đà, Lắp máy Việt Nam, Xây dựng và Phát triển hạ tầng, Cơ khí Xây dựng, CP.Sông Hồng, CP.Đầu tư Phát triển Xây dựng (DIC).

Những sáng lập viên Tập đoàn được ra đời từ những năm 50, 60 của thế kỷ trước và đã có mặt trên các công trình trọng điểm của đất nước như: Thuỷ điện Hoà Bình, Yaly, Trị An, Sơn La, Sê San 3, Tuyên Quang, đường dây 500 KV Bắc Nam, đường Hồ Chí Minh, hầm đường bộ qua Đèo Hải Vân, quốc lộ 2, quốc lộ 1A, nhà máy lọc dầu Dung Quất. Các nhà máy xi măng như Hoàng Thạch, Chin-fon, Bút Sơn… Kinh doanh nhiều sản phẩm công nghiệp như: điện, xi măng, thép xây dựng, đóng tàu, chế tạo thiết bị…Bên cạnh đó các Tổng công ty cũng đã và đang làm chủ đầu tư nhiều công trình nhà ở, khu đô thị, khu công nghiệp tại Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Vũng Tàu và nhiều địa phương khác. Các công trình, sản phẩm và dự án đó đã góp phần vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.
Khi đất nước mở cửa hội nhập với nền kinh tế thế giới, thị trường xây dựng và sản xuất công nghiệp ở Việt Nam không chỉ có các doanh nghiệp trong nước tham gia mà phải cạnh tranh với các tập đoàn lớn của các nước phát triển trên thế giới với tiềm lực mạnh về tài chính, công nghệ, nguồn lực, có nhiều kinh nghiêm trong quản trị doanh nghiệp. Vì thế việc việc thành lập tập đoàn kinh tế để tồn tại và phát triển là rất cần thiết. Theo đó, Tập đoàn Công nghiệp xây dựng Việt Nam được ra đời nhằm hình thành một tổ chức kinh tế mạnh đa sở hữu, có trình độ công nghệ, quản lý hiện đại và chuyên môn hoá cao; kinh doanh đa ngành, trong đó mũi nhọn là xây lắp, sản xuất công nghiệp và chế tạo cơ khí; gắn kết chặt chẽ giữa sản xuất, kinh doanh với khoa học, công nghệ, nghiên cứu triển khai, đào tạo để ngành công nghiệp xây dựng Việt Nam phát triển bền vững, có khả năng cạnh tranh và hoạt động có hiệu quả. Tại buổi lễ, HĐQT Tập đoàn gồm 9 thành viên đã ra mắt và nhận quyết định do Bộ trưởng Nguyễn Hồng Quân trao:

1. Lê Văn Quế - CTHĐQT TCty Sông Đà – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn
2. Phạm Hùng – Tổng Giám đốc TCty LILAMA – Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn
3. Dương Khánh Toàn - Tổng Giám đốc TCty Sông Đà - Ủy viên HĐQT Tập đoàn -
Tổng Giám đốc Tập đoàn.
4. Phạm công Bổng - Ủy viên HĐQT TCty Sông Đà - Ủy viên HĐQT kiêm Trưởng ban kiểm soát Tập đoàn.
5. Nguyễn Đình Hải - CTHĐQT LILAMA - Ủy viên HĐQT Tập đoàn.
6. Nguyễn Thiện Tuấn – CT kiêm Tổng Giám đốc DIC - Ủy viên HĐQT Tập đoàn
7. Vũ Tiến Giao - Tổng Giám đốc LICOGI - Ủy viên HĐQT Tập đoàn
8. Nguyễn Doãn hành - CTHĐQT COMA - Ủy viên HĐQT Tập đoàn
9. Nguyễn Quang Mẫn – CTHĐQT TCty Sông Hồng - Ủy viên HĐQT Tập đoàn
Được biết, tại thời điểm thành lập, Tập đoàn có vốn điều lệ 6.600 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu 18.000 tỷ đồng, tổng tài sản 68.000 tỷ đồng và tổng số CBCNV là 90.000 người

Tặng quà cho quỹ Vì người nghèo Việt nam
QC,VH