banner

Chào mừng đã ghé thăm website Tổng Hội Xây Dựng Việt Nam

banner
Trang chủ
Giới thiệu Tổng hội
Tin tức và sự kiện
Đổi mới Quản lý
Tiêu điểm
Thông tin hoạt động Tổng hội
Quy hoạch - Kiến trúc - Đô thị và xã hội
Diễn đàn xây dựng
Công trình
Kiến trúc - Quy hoạch
Môi trường
Đất đai
Nhà ở
KH-CN - Sản phẩm mới
Thị trường xây dựng
Doanh nghiệp XD: Năng lực và hoạt động
Văn hóa - Thư giãn
Tạp chí Người xây dựng
Nhìn ra nước ngoài

3 Users online
Công ty TNHH Sơn Trường

Công ty CP bê tông và xây dựng Vinaconex-Xuân Mai

Công ty CP bê tông và xây dựng Vĩnh Tuy


Mùa xuân bàn về cái chợ

Xuân Nguyên


Hà Nội có chợ Đồng Xuân, Sài Gòn có chợ Bến Thành, Đà Nẵng có chợ Cồn, Huế có chợ Đông Ba, Sapa có chợ Tình... Những cái chợ như thế đã tạo thương hiệu cho thành phố. Vâng, cái chợ vô cùng thân thiết với người Việt Nam. Chợ là bao nguồn cảm hứng thi ca. Thời nhỏ theo mẹ đi chợ làng, nhớ mãi khi ngã vào chồng bánh đa... Chợ là cái không thể thiếu được với chúng ta cả ở nông thôn lẫn thành thị. Có lẽ người tâm đắc nhất với cái chợ là cụ Ngô Huy Giao - Vị KTS lão thành đáng kính. Vậy mà khi ngồi biên tập bài của cụ đăng trên Tạp chí Người Xây dựng, đọc đến đoạn cụ đề nghị đưa mấy cái chợ vào khu đô thị mới Ciputra, một khu đô thị sang trọng vào bậc nhất của miền Bắc thì tôi cảm thấy cứ gai gai hết cả người. Tôn trọng tác giả tôi vẫn giữ nguyên, không dám thêm bớt một chữ và dự định sẽ gặp cụ để trao đổi và nếu cần thì tranh luận cho ra nhẽ.
Số là, nhà tôi đã ở 8 năm nay chỉ cách cái chợ chưa đầy ba chục mét. Có lẽ chỉ bà xã nhà tôi và các bà hàng xóm thì khoái. Có những lần nhà tổ chức liên hoan, riêng một buổi sáng bà ấy đi chợ đến 5, 6 lần. Lúc quên mua quả ớt, quả chanh, quả trứng, lúc quên mùi tàu, húng ngổ... đi chợ mà cứ như mở tủ lạnh ở nhà. Còn những người đang tuổi đi làm thì khốn khổ vì cái chợ. Phải vã mồ hôi để  lách xe qua được chợ, không cẩn thận đòn gánh thúng mủng va vào đầu, giây căng bạt quàng vào cổ. Chi bộ chúng tôi tháng nào cũng họp một lần, lần nào họp cũng bàn về cái chợ, thậm chí có cả những nghị quyết về cái chợ mà cuối cùng đâu vẫn hoàn đó. Chợ mà tổ chức không tốt sẽ đồng hành với móc túi, cướp giật đồng hành với ô nhiễm môi trường. Nhiều chợ đang như vậy.
Sau buổi tan chợ, một khoảng không tan hoang xơ xác như một bãi chiến trường: túi ni lông, cuộng rau, cam quýt thối, vẩy cá, lông gà, tiết lợn rơi vãi... đủ cả không thiếu thứ gì và phải 2-3 tiếng sau công ty môi trường mới đến thu dọn. Và hôm sau lại tiếp diễn như hệt thế. Những thứ mua ở chợ thì quả sướng thật: Những con tôm nhảy tanh tách, những chú cá quẫy tung tăng, những con lươn, con trạch uốn lượn, những con cua, con ốc bò lổm ngổm, những con ếch trợn tròn mắt, thót bụng được xâu lại bằng sợi chuối. Những rổ trứng còn tươi hồng. Gà, vịt, ngan, ngỗng, chim cu: quạc quạc, quác quác, chích chích, gù gù thật vui tai, dễ bắt mắt bọn trẻ nhưng không thể bỏ qua những tiếng vo ve của đám ruồi nhặng trên những quầy thịt tươi sống (!?). Những thứ trên bao giờ cũng đi cùng với lồng, bu, rổ, rá, chậu thúng mủng đi theo quang gánh, xe đạp, xe thồ và sang hơn nữa là xe máy. Có nhiều lần tôi thấy 2, 3 con lợn đã mổ xong thân hình trắng phau lượn lờ trên càng xe máy, những chiếc móng chân quệt xuống đất toé những vệt lửa dài khi xe phóng nhanh. Còn ô tô thì  không đến phần chúng, ngồi trên ô tô giá nó đội lên không chịu nổi. Cho nên đưa cái sản phẩm của nền kinh tế nông nghiệp tự cung tự cấp nhỏ lẻ này vào một khu đô thị hiện đại thì có nên không? ở đây xin chỉ bàn đến chợ (market) chứ không bàn đến siêu thị (Super Market).
Những người ở nhà lầu, đi thang máy, sống cuộc sống công nghiệp thì phải bỏ thói giã cua, giã tỏi, giã lạc trên đầu thiên hạ. Phải tập cho mình thói quen không được làm ảnh hưởng đến sinh hoạt người khác.
Với kinh nghiệm sống và trong mối quan hệ giao tiếp vốn có đã cho tôi đi đến một nhận xét là: đi chợ ở Tây ngày chủ nhật gần như là một thú vui của người Việt Nam. Ngay ở thủ đô Paris hoa lệ và ngay tại một số quảng trường người ta cũng họp chợ phiên vào chủ nhật. Nó như chợ trời của ta, ai có thứ gì muốn  bán thì cứ việc đem ra, đồ cũ đồ mới có đủ. Rau thịt, cá tươi, tôm sống đều có, tất cả đều phải chở bằng ô tô. Đền giờ G kết thúc thì liệu mà cuốn gói kẻo không tiền phạt cao hơn lời lãi. Vài ba chiếc xe gom rác, phun nước, rửa đường, chỉ trong loáng mắt, đã trả lại cho quảng trường, tinh tươm sạch sẽ. Chợ  ở London, Berlin, Melbourne, Sydney... cũng như vậy. Còn các chợ ở Bangkok, Jakarta, Kualalumpua... cũng không tốt hơn Việt Nam là mấy.
Thực tế người ta vẫn có thể kết hợp chợ với siêu thị. Thông thường ở tầng trệt bầy bán đồ tươi sống hoặc bày bán ở vỉa hè (tất nhiên phải là hè rất rộng) trước siêu thị.
Thời hội nhập rồi, không thể chấp nhận hàng rong, chợ cóc. Không thể chấp nhận ngồi trên xe máy thõng chân xuống đường sát hè để mua mớ rau, quả cam, bông hồng. Lại càng không thể bày bán thịt cá dưới hè phố lòng đường chật hẹp. Vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm ở chợ, ở vỉa hè đang là đại vấn đề. Năm mới đến rồi, đòi hỏi dân ta phải đổi mới mạnh hơn. Không thể tuỳ tiện, tự do quá trớn. Không thể chấp nhận việc chợ thì bỏ không mà bao quanh chợ thì người mua kẻ bán la liệt.
Khi chuẩn bị kết thúc bài viết, thì cũng may, cụ KTS họ Ngô lại có mặt ở Toà soạn. Cũng không khó khăn gì khi trao đổi với Cụ, lại càng không có chuyện phải tranh luận với Cụ. Chúng tôi dễ dàng thống nhất với nhau: Cái chợ là rất cần thiết với người Việt Nam ở cả đô thị nông thôn. Nhưng vị trí chợ đặt ở đâu, quy hoạch nó như thế nào, mạng lưới chợ ra sao, việc tổ chức quản lý chợ, trật tự an ninh, môi trường chợ, trình độ dân trí của người mua kẻ bán thì đang còn là đại vấn đề tồn tại. Nên chăng có những đề tài NCKH về cái chợ,  nên chăng có những hội thảo khoa học về cái chợ. Cái chợ không đơn thuần là phạm trù thương mại nó còn bao hàm ý nghĩa rộng hơn. Đó là vấn đề quan hệ xã hội, trình độ khoa học, dân trí và nếp sống của cả một dân tộc. q



<< Back

 

Nội dung khác:
      Những nguyên tắc cơ bản để tiếp cận sinh thái trong thiết kế xây dựng
      Làm đẹp Thủ đô bắt đầu từ những góc phố nhỏ
      Phủ Tây Hồ - Điểm nhấn cảnh quan vùng Hồ Tây Hà Nội
      Bàn về kiến trúc cầu và đường cho khách bộ hành trong đô thị để giảm tai nạn giao thông
      Tìm hiểu các xu hướng lớn của kiến trúc sinh thái trên thế giới