Góp ý kiến cho các phương án thiết kế kiến trúc Nhà Quốc hội
Hội KTS Hà Nội
Sau khi nhận được công văn số 357/BQLDA ngày 29-8-2007 của Ban quản lý dự án Nhà Quốc hội mời Hội KTS Hà Nội đến tham quan và cho ý kiến về các PA thiết kế kiến trúc Nhà Quốc hội. Hội KTS Hà Nội đã tổ chức mời các ủy viên BCH Hội và một số KTS lão thành đến xem triển lãm và đóng góp ý kiến cho các PA thiết kế kiến trúc nói chung và các PA đã được Hội đồng giám khảo tuyển chọn gồm 01 giải A và 04 giải khuyến khích.
Với tinh thần trách nhiệm cao về chính trị và nghề nghiệp, trên cơ sở nhiệm vụ thiết kế đặt ra, các KTS thuộc Hội KTS Hà Nội thấy rằng:
1/ Đồng tình với việc chọn vị trí xây dựng Nhà Quốc hội tại khu Trung tâm chính trị Ba Đình, đó là việc lựa chọn hợp lý.
2/ Các phương án thiết kế được trưng bày tại triển lãm (17PA), kể cả PA L787 đã được Hội đồng giám khảo chọn và trao giải A đều không đạt với mục đích yêu cầu đã đề ra tại nhiệm vụ thiết kế:
- Qui mô, vị trí quy hoạch của các PA đều phá vỡ quy hoạch khu Trung tâm chính Ba Đình đã bước đầu hình thành sau gần 4 thập kỷ.
- Phá vỡ cảnh quan kiến trúc các di tích lịch sử văn hóa xung quanh khu trung tâm chính trị và làm mất tỷ lệ không gian quảng trường Ba Đình, phá vỡ trục Thần đạo Bắc Sơn, lấn át qui mô Lăng Bác Hồ.
3/ Kiến Nghị: Để có thể xây dựng được công trình Nhà Quốc hội gắn với Khu trung tâm chính trị Ba Đình lịch sử cần:
a- Xác định qui mô phần nổi của công trình sao cho tương ứng và tỷ lệ với công trình chủ thể của khu vực quảng trường là Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Lễ đài Ba Đình, Đài tưởng niệm anh hùng liệt sỹ vô danh đã tạo thành trục Thần đạo Bắc Sơn và các công trình khác xung quanh khu vực. Muốn thế, cần đưa một bộ phận xuống ngầm dưới lòng đất và không nên xây dựng công trình có chiều cao cao hơn Lăng Bác trong khu vực này.
b- Quy hoạch Nhà Quốc hội nhất thiết phải có khoảng lùi để giữ nguyên trạng tỷ lệ và cảnh quan khu vực quảng trường, trục đường Bắc Sơn. Cần xác định tỷ lệ sử dụng đất hợp lý giữa diện tích xây dựng Nhà Quốc hội và diện tích bảo tồn khu phát lộ di tích Hoàng Thành. (Thí dụ như giải pháp của PA 234 đã đề xuất).
c- Hình thức kiến trúc hiện đại nhưng phải hài hòa với các công trình xung quanh và cần có nét đặc trưng dân tộc Việt Nam.
Nhà Quốc hội được xây dựng trong thời kỳ này là cực kỳ cần thiết và quan trọng, mang nhiều ý nghĩa đánh dấu mốc cho thời kỳ đổi mới của thời đại Hồ Chí Minh. Hội KTS Hà Nội kiến nghị không nên câu nệ vào thời gian hạn chế mà cần tiếp tục phát động cuộc thi rộng rãi để chọn cho được phương án xứng đáng với nguyện vọng của cả dân tộc ta.
Tin của L.V.P Hà nội 12-9-2007
|