banner

Chào mừng đã ghé thăm website Tổng Hội Xây Dựng Việt Nam

banner
Trang chủ
Giới thiệu Tổng hội
Tin tức và sự kiện
Đổi mới Quản lý
Tiêu điểm
Thông tin hoạt động Tổng hội
Quy hoạch - Kiến trúc - Đô thị và xã hội
Diễn đàn xây dựng
KH-CN - Sản phẩm mới
Thị trường xây dựng
Nhà thầu và xây dựng
Thị trường VLXD
Doanh nghiệp XD: Năng lực và hoạt động
Văn hóa - Thư giãn
Tạp chí Người xây dựng
Nhìn ra nước ngoài

1 User online
Công ty TNHH Sơn Trường

Công ty CP bê tông và xây dựng Vinaconex-Xuân Mai

Công ty CP bê tông và xây dựng Vĩnh Tuy


Thợ sông Đà góp sức lớn cho ngày chặn dòng sông Chu

Ghi chép của: Nguyễn Tất Lộc


Lúc 9h30’ ngày 02/12/2006, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng đã chính thức phát lệnh chặn dòng sông Chu tại Cửa Đạt thuộc địa phận xã Xuân Mỹ, huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hoá. Đây là dự án trọng điểm cấp quốc gia về một công trình đa chức năng cả thuỷ lợi lẫn thuỷ điện. Ngược dòng thời gian, nhìn từ thời điểm cách nay gần 10 thập niên, vùng đất Cửa Đạt được xem là mảnh đất thiêng sông nước. Thuở ấy, những kỹ sư canh nông người Pháp đã tìm đến nghiên cứu thực địa sông Chu trên vùng cửa Đạt nhằm khai thác nguồn nước vô tận này để sinh lời cho nông nghiệp vùng Tây Nam Thanh Hoá. Vậy mà đã 80 năm qua rồi, khi đất nước còn phải tập trung dồn sức chống giặc ngoại xâm qua 2 cuộc kháng chiến đánh Pháp và đánh Mỹ. Ngày nay đất nước bình yên, chính những kỹ sư, những nhà khoa học trẻ người Việt đã trở lại nơi đây đánh thức tiềm năng “Cửa Đạt” để không chỉ nhằm một mục tiêu giảm lũ với tần suất P = 0,6% bảo đảm mức nước không vượt sức lũ lớn nhất năm 1962, tạo một nguồn nước ổn định tưới cho hơn 86.820 ha nông nghiệp vùng Nam sông Chu và Bắc sông Mã mà còn xây dựng thêm một nhà máy thuỷ điện liền kề với công suất 97MW thắp sáng cho chính khu vực, ngoài ra còn làm thêm nghĩa vụ bổ sung nước tưới cho hạ lưu sông Mã vào mùa kiệt đẩy mặn, thau chua, cải tạo môi trường sinh thái với lưu lượng sả tràn Q = 30,42m3/s.  
 
Công trình Cửa Đạt chính thức được khởi công xây dựng ngày 02/02/2004. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn làm chủ đầu tư với nguồn vốn 6.000 tỷ đồng. TCT Sông Đà là một trong 4 thành viên chính trong tổ hợp nhà thầu xây dựng, đồng thời cũng là một trong số cổ đông lớn góp vốn chung ở Công ty Cổ phần Thủy điện Cửa Đạt. Công ty Sông Đà 25 đóng tại Thanh Hoá, là đơn vị được TCT giao phó làm đại diện cho các lực lượng của Sông Đà, tham gia xây dựng công trình đồng thời là đơn vị nhận thầu thi công khối lượng làm mới 2 tuyến đường từ các mỏ khai thác đá dẫn đến tận chân đập chính. Kỹ sư Lê Xuân Toàn, TGĐ Công ty Sông Đà 25 nhớ lại: Sau ngày nhận nhiệm vụ cho đơn vị thi công, đích thân Chủ tịch HĐQT Hà Mạnh Hoạt cùng một nhóm lãnh đạo vào địa điểm khảo sát địa hình. Cửa Đạt lúc ấy, bốn bề là núi, cây rừng rậm rạp um tùm, màu xanh ngút ngàn, không một lối đi. Sáng ra khoảng 8, 9h mà mây mù vẫn phủ kín những nhà sàn thưa thớt trên những bản làng ven núi. Phải mất gần một tháng ròng rã, phát cây, mở lối, bạt nền mới có địa điểm dựng lán trại và dần đưa lực lượng vào tuyến thi công. Để đưa được xe, máy thi công vào công trường, trước hết phải làm đường đi. Bây giờ nghĩ lại, người nào cũng khó mà tưởng tượng nổi họ đã phải vượt qua những khó khăn gian khổ đến thế, bởi có những đoạn đường qua dốc núi, họ đã phải dùng các loại xe có gầu múc, bập sâu vào lòng đất của vách núi lấy đà để kéo xe trườn lên như những con sâu đo di chuyển vậy, huy động đến hàng chục chiếc cẩu như thế mà mỗi ngày cũng chỉ làm được vài mét đường đi. Với hơn 1 triệu m3 đất đá đắp cho hai tuyến đường dài gần 5km, hơn 400 cán bộ, công nhân thuộc Công ty Sông Đà 25 đã thi công trong vòng 11 tháng. Đây là hai tuyến đường huyết mạch mà không tuần nào, tháng nào trong các cuộc giao ban điều hành trên công trình không nhắc tới. Lý do ư? Đó là con đường cần phải có sớm để cho mỗi ngày hàng trăm xe cơ giới nặng vào các mỏ khai thác đất đá vận chuyển ra đắp đập chính và đê quây thượng lưu.  
 
Đập ngăn sông Chu là con đập lớn nhất nước ta trong các công trình Thuỷ điện (đến thời điểm này) với độ dài gần 1km, cao 108m, bề ngang đáy đập 400m, phương pháp thi công theo quy trình đập đá đổ, bản mặt bê tông theo công nghệ mới ở Việt Nam , quy mô của đập lớn gấp 3 lần đập Thuỷ điện Tuyên Quang và gấp 7 lần so với đập Thuỷ điện Quảng Trị. Với địa thế ở Cửa Đạt, khi thực hiện chặn dòng chảy qua sông Chu để đắp đập ngăn sông, người ta phải khoan thông một đường hầm qua núi dài chừng 820m đường kính rộng 4,15m để dẫn dòng chảy của sông Chu đi theo hướng đổ về phía hạ lưu qua đập Bái Thượng.
 
Công việc này do Công ty Cổ phần Sông Đà 10 đảm nhận. Tuy vào cuộc muộn sau một năm khởi công, nhưng việc chặn dòng có đạt được tiến độ thì toàn công trình luôn hướng về đơn vị đào hầm (Tuy nen TN2). Xác định mục tiêu quan trọng này, Công ty Sông Đà 10 đã chuyển đến công trình hơn 400 thợ hầm thiện chiến, những người đã từng chinh phục TĐ Yaly và hầm đường bộ qua đèo Hải Vân, chia làm 60 đội sản xuất để thay nhau làm việc 3 ca liên tục theo phương pháp đào hầm NATM bằng các loại máy khoan Boomer của (áo) máy Robin (của Mỹ), xúc chuyền bằng máy xúc lật Vollvo LI80 và ôtô tự đổ 15 tấn. Kỹ sư Trần Dương GĐ Xí nghiệp 10.5, Trưởng chỉ huy cụm công trình cho biết: Đây là lần thứ hai (sau công trình đào hầm qua đèo Hải Vân) Sông Đà 10 đào Tuy nen trong điều kiện “thuỷ lợi” nghĩa là trong hầm luôn luôn trong tình trạng có bùn, có nước. Với một khối lượng đào và vận chuyển ngót 10 vạn mét khối đất đá ở phần cửa hầm giai đoạn đầu đã là một công việc nặng nhọc, vất vả, nhưng bắt tay vào giai đoạn khoan, nổ, đào và vận chuyển gần 80.000m3 đá từ thân hầm dài gần một cây số là cả một hành trình chinh phục đầy nguy hiểm, cam go. Công việc thi công trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt bởi Cửa Đạt vốn là miền đất thâm sơn, núi thì cao mà trời đôi lúc lại rất gần, nhiều khi sương mù, mây phủ có cảm tưởng như đứng trên đỉnh núi Xuân Mỹ là có thể với tay chạm trời. Anh Lê Văn Khang, Phó Tổng giám đốc Sông Đà từ Công ty đặc phái vào chi viện cho Cửa Đạt nói vui như vậy. Mà quả thật, chúng tôi, những người đã từng đến với Cửa Đạt một lần hôm khởi công, nhưng hôm nay thấy công trình đã hình thành, quy mô hoành tráng, đường sá giao thông đã rộng mở nhưng độ mù của hơi nước, độ xám của mây trời âm u, vần vũ, bảng lảng hàng ngày nhất là buổi sáng.
 
Công việc đào hầm Tuy nen TN2 được dồn nén vào quý 3 năm 2006. Đây là thời điểm mà cả công trường nóng lòng, chờ trông (nếu không nói là dồn ép hoặc là bằng một mệnh lệnh).  
 
Đến hôm nay, nhiều người trong cuộc cũng không hiểu căn cứ vào lẽ gì mà vị Giám đốc Ban quản lý dự án đã chọn ngày, lại “dám” đứng lên hứa với Thủ tướng Chính phủ rằng đến 02/12/2006 sẽ chặn dòng sông Chu (lúc đó Thủ tướng về thăm và kiểm tra công trình tháng 07/2006). Không biết có phải vì lời hứa ấy của vị Giám đốc dự án mà tiến độ các hạng mục công trình cứ mỗi ngày một thêm mới lên, thân đập dài ra, cao lên, việc đào hầm Tuy nen mỗi lúc một tiến triển. Cho dù các dự toán bêtông vỏ hầm, dự toán thông gió, chiếu sáng, dự toán cốp pha đến nay vẫn chưa được phê duyệt, phát hành. Nhưng theo chỉ đạo của lão tướng Nguyễn Phụ Du - Phó Tổng giám đốc TCT (người trực tiếp theo dõi chỉ đạo công trình) cũng đã có lời hứa mà (theo ông Du) còn xem như một lời thề trước cuộc giao ban lớn tại công trình rằng: Thợ Sông Đà không so đo, tính toán, chờ đợi, sẵn sàng đầu tư vật liệu thi công để quyết không sai hẹn, đường hầm TN 2 sẽ được hoàn thành bàn giao trong ngày 30/11/2006 để phục vụ ngày đại lễ chặn dòng sông Chu  02/02/2006.  
 
Hạ tuần tháng 11, có dịp đến công trình theo đoàn nghiệm thu nhà nước do Bộ trưởng XD Nguyễn Hồng Quân làm Chủ tịch, khi đứng trước cửa hầm Tuy nen đồ sộ và kỳ công đã được hoàn thành an toàn, chất lượng, nhiều thành viên đã hài lòng và khen ngợi cánh đường hầm Sông Đà đã chứng tỏ khả năng lao động kỹ thuật, giữ được uy tín và lòng tin về tiến độ bàn giao. Công trình Thuỷ lợi - Thuỷ điện Cửa Đạt còn nhiều việc phải làm để sớm kết thúc đưa vào khai thác vào đầu năm 2009. Nhưng dòng sông Chu đã bị chặn lại thành công là kết quả thắng lợi được báo trước về một tiềm năng lớn đã được những bàn tay, khối óc những người thợ chuyên ngành Thuỷ lợi - Thuỷ điện Việt Nam đánh thức dậy để phục vụ con người. 
 
Hà Nội-Thanh Hoá,  đầu tháng 12 năm 2006



<< Back

 

Nội dung khác:
      Hợp tác Việt Nga