Thời vận mới
Trần Công Thanh
Năm 2007 là năm giao hoà, bận rộn của Việt Nam. Cuối năm 2006, có 20 đoàn nguyên thủ quốc gia thuộc 4 Châu lục đến nước ta bang giao, tiễn đưa năm “Bính Tuất”, đón năm “Đinh Hợi” và chào mừng Việt Nam gia nhập đại gia đình tổ chưc WTO là Hoa Kỳ, Nhật Bản, Nga, Trung Quốc, Canada, Austraylia, Hàn Quốc... Năm 2007, Việt Nam cũng trở thành một thị trường kinh tế nổi bật trong khu vực và đã thu hút hàng trăm đoàn doanh nghiệp, các Tập đoàn kinh tế lớn đến tìm kiếm cơ hội liên kết kinh doanh với Việt Nam, như Hoa Kỳ có các Hãng Boing, Microsoft; Tập đoàn Intel; Pháp & Đức có Hãng AirBus; Nhật Bản có Tập đoàn Sumiden, Nakashima; Hàn Quốc có Tập đoàn Daewoo, Keangnam; Malaysia có Tập đoàn Gamuda Berhad, Berjaya Land Berhad… đã thu hút được trên 20 tỷ USD vốn FDI và 6 tỷ USD kiều hối. Năm 2007, đất nước Việt Nam ta cũng đạt được nhiều thành tựu kinh tế nổi bật, như GDP đạt 8,5%; xuất khẩu đạt 48 tỷ USD. Năm 2007, đầu tư Việt Nam ra nước ngoài cũng đạt 1,5 tỷ USD.
Tại sao đất nước Việt nam ta lại có sức lôi cuốn và hấp dẫn thế giới mạnh đến như vậyư Có người nói rằng, vì Việt Nam anh hùng; có nền văn hoá lâu đời; có nguồn lao động trẻ trung, dồi dào (50 triệu người/ 84 triệu dân) và giá nhân công rẻ; con người Việt Nam thông minh, đôn hậu, thân thiện. Đúng, nhưng chưa đủ. Cái giá trị căn bản nhất của Việt Nam đối với thế giới chính là “Đất nước ổn định”, vừa có phong cảnh thiên nhiên tươi đẹp, như Vịnh Hạ Long “kỳ quan thiên nhiên” và Đà Lạt “thành phố bồng lai”; vừa có tài nguyên đất đai màu mỡ “thẳng cánh cò bay” ở Bắc Bộ và Nam Bộ cho ra Lúa, Ngô, Khoai và Cao nguyên đất đỏ bazan ở Trung Bộ cho ra Cao su, Cà phê, Hồ tiêu, Trà xanh… hấp dẫn thiên hạ; lại có tài nguyên khoáng sản, dầu mỏ, khí đốt dưới lòng đất giàu có, là nguồn sức sống của nền kinh tế thế giới hiện đại. Cũng chính vì cái giá trị to lớn đó mà trong 100 năm qua đất nước Việt nam ta liên tục hứng chịu nhiều cuộc chiến tranh xâm lăng tàn bạo. Và, cũng chính vì chiến tranh xẩy ra liên miên mà dân tộc ta phải chịu cảnh đói nghèo, bị xếp vào hàng các quốc gia lạc hậu. Đó là nỗi đau của dân tộc ta. Tuy nước ta bị kẻ giàu liệt vào hạng nước nghèo; nhưng, thế giới vẫn lặng lẽ nhìn chúng ta bằng cặp mắt khâm phục vì cái chân giá trị to lớn, cái sức mạnh đích thực ấy của đất nước Việt Nam ta. Ngay trong thời kỳ nước ta còn bị bao vây, cấm vận tứ bề, vẫn có người nhận ra, rằng: “Nếu có vị trí số 1 ở Đông Nam á thì đó phải là Việt Nam mới xứng đáng. Bởi vì so sánh về địa chính trị, tài nguyên, con người thì Việt Nam không thể xếp sau nước nào trong khu vực. Tài năng của người Việt Nam trong việc sử dụng và cải tiến các khí tài của Liên Xô trong thời kỳ chiến tranh và tài năng của người Việt hiện sống ở Mỹ và Pháp nhắc nhở chúng ta về những phẩm chất tuyệt vời của dân tộc này” (Hồi ký “Câu chuyện Singapore - Từ thế giới thứ 3 lên thế giới thứ nhất” của ông Lý Quang Diệu) và “Việt Nam mới là đối thủ kinh tế mà Singapore e ngại nhất” (Lời ông Lý Quang Diệu nói với nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt).
Qua cái nhìn đồng cảm đằm thắm thế giới dành cho Việt Nam trong năm 2007, có thể nghĩ rằng, “Thời vận mới” của nước ta và dân tộc đã điểm. Để có được sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá, với mục tiêu tới năm 2020 sẽ trở thành một nước công nghiệp, thì Việt nam cần có rất nhiều vốn để đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng; phát triển nguồn nhân lực; phát triển nguồn lực công nghệ; phát triển nền công nghiệp tiên tiến hiện đại. Nguồn vốn đó sẽ được các nhà đầu tư nước ngoài đổ vào Việt Nam ngày càng nhiều và càng vững chắc vì nó phù hợp với vị thế kinh tế được tạo ra bởi các cực quyền lực kinh tế thế giới. Có người nghĩ, các dòng vốn đầu tư nước ngoài đổ vào nước ta nhiều bao nhiêu thì thảm hoạ dân tộc sẽ càng lớn bấy nhiêu. Điều suy nghĩ đó có phần đúng, nhưng chưa đủ. Suy cho cùng, việc thành bại của một sự nghiệp là do con người quyết định.
Bước vào năm 2008, nhiệm vụ đặt ra cho Ngành xây dựng nước ta thật bề bộn và khó khăn. Lượng vốn đầu tư nước ngoài đổ vào càng nhiều, thì khối lượng xây dựng cơ bản sẽ phình ra càng lớn và càng phức tạp. Đòi hỏi Ngành xây dựng phải chuẩn bị thật đầy đủ lực lượng và các điều kiện thực thi để hoàn thành tốt các dự án được đưa vào từ nhiều phía (trong nước và ngoài nước; thuộc lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, dân dụng, thương mại, dịch vụ, phát triển đô thị; với nhiều qui mô lớn nhỏ khác nhau). Để có thể đạt được nhiều dự án có chất lượng tốt như dự án Khu công nghiệp Singapore 1 ở Bình Dương, Khu hoá lọc dầu Dung Quất ở Quảng Ngãi; Khu chung cư cao cấp nam Sài Gòn Phú Mỹ Hưng ở TP Hồ Chí Minh; Khu du lịch sinh thái Phú Quí ở Nha Trang; Đài hoá thân hoàn vũ công nghệ cao “An Lạc Viên” ở Quảng Ninh…, cần phải có những biện pháp kiên quyết không để xẩy ra những sự cố xây dựng thảm khốc như vụ sụp đổ hai nhịp cầu dẫn cầu Cần Thơ khi đang thi công; vụ đào móng xây dựng cao ốc Pacific 20 tầng làm sụp đổ Phân viện khoa học xã hội ở quận I, TP Hồ Chí Minh và nhiều vụ lở núi đè chết nhiều người như trên công trường Thuỷ điện Bản Vẽ ở Nghệ An…
Kỳ vọng năm 2008 - năm Mậu Tý, sẽ là năm đặt nền móng xây dựng “Toà tháp kinh tế Việt Nam Thế kỷ 21” để khuôn tạc hình dáng Việt Nam vào lịch sử, tương xứng với sức mạnh, uy tín, sự hy sinh cao cả của dân tộc Việt Nam trong tiến trình lịch sử nhân loại.
|